Từ cái chết của Trương Phi: 4 bài học xương máu về nghệ thuật làm người
Cái chết tức tưởi của Trương Phi đã để lại cho hậu thế hôm nay và mai sau 4 bài học xương máu về nghệ thuật làm người.
Được nhắc đến như một trong những anh hùng Tam Quốc có kết cục đáng tiếc nhất, cái chết của Trương Phi quả thực khiến chính “khổ chủ” cũng phải uất nghẹn.
Bởi đường đường là một đại tướng quân, nhưng Trương Phi không phải bỏ mạng nơi sa trường mà lại phải chết trong tay chính thuộc hạ của mình.
Lật lại những trang sử thời Tam Quốc, ta nhớ lại thời điểm Quan Vũ bị Đông Ngô sát hại, Trương Phi vừa uất ức, vừa bi thống, xin Lưu Bị lập tức xuất binh “làm cỏ” quân địch để trả thù cho nhị ca.
Nhưng Lưu Bị vốn là người thâm trầm, nhanh chóng cự tuyệt yêu cầu này của Trương Phi. Quyết định này khiến Trương Phi “bằng mặt không bằng lòng”, ngày ngày tìm cách trút giận lên đầu tướng lĩnh, binh sĩ dưới trướng.
Sau cùng, hai kẻ thủ hạ là Phạm Cương và Trương Đạt vì không chịu đựng được tính cách thất thường này, đã thừa dịp Trương Phi uống say mà lẻn vào lấy đầu chủ tướng. Một đời anh hùng vang danh Tam Quốc cứ như vậy ra đi trong tức tưởi.
Chính tính cách nóng như “hổ lửa” đã đẩy Trương Phi vào “cửa tử” một cách không đáng. (Ảnh minh họa).
Bàn về tài cầm quân của Trương Phi, ai cũng phải công nhận ông là tướng tài trong thời loạn. Nhưng một người có tài năng như vậy, sau cùng lại phải chịu kết cục uất ức.
Kỳ thực, cái chết của Trương Phi chính là minh chứng cho bài học thấm thía đối với hậu thế: “Một người ngay đến cảm xúc của mình cũng không thể không chế, cho dù tài năng tới đâu cũng khó có thể làm nên đại sự.”
1. Khả năng mà con người cần nắm bắt nhất chính là kiểm soát bản thân
Bàn về anh hùng, quan niệm giữa thời hiện đại và cổ đại sẽ có nhiều điểm khác biệt.
Trong bối cảnh thời loạn, người không thể khống chế cảm xúc như Trương Phi vẫn có thể làm quan nhờ tài cầm quân nơi sa trường, thậm chí còn mang lại vinh hiển cho vợ con, được hậu thế nhắc tới như một trang anh hùng hảo hán.
Nhưng vào thời bình, cuộc so tài giữa người với người không thể hiện bằng bạo lực mà là cuộc đấu về mặt trí tuệ. Nếu một người tàn bạo như Trương Phi làm lãnh đạo trong thời hiện đại, ắt sẽ khiến nội bộ mất đoàn kết, thậm chí còn kéo cả tập thể đi xuống.
Kỳ thực, một người vĩ đại chân chính sẽ luôn đặt công việc lên hàng đầu, những chuyện có khả năng làm tổn hại đại cục sẽ bị gạt sang một bên, bao gồm cả cảm xúc của bản thân.
Vì vậy, chỉ khi khống chế tốt cảm xúc của chính mình, ta mới có thể tạo điều kiện tốt nhất để bản thân phát huy năng lực. Ở phương diện lãnh đạo mà nói, một người đứng đầu biết kiểm soát bản thân tốt mới có thể phát huy tối đa sức mạnh tập thể.
2. Điểm khác biệt giữa những thiên tài
Sự khác biệt giữa những người được ca ngợi là “thiên tài” nằm ở khả năng kiểm soát tâm tình của chính họ. Hai ngôi sao bóng đá nổi tiếng Lionel Messi và Mario Balotelli chính là ví dụ tiêu biểu cho điều này.
Thái độ chính là điều làm nên sự khác biệt giữa hai thiên tài bóng đá nổi danh này. (Ảnh minh họa).
Mario Balotelli là điển hình cho những “Trương Phi” thời hiện đại.
Mang trong mình thiên phú vượt trội, nhưng vì tính cách nóng nảy, Balotelli thường xuyên gây gổ với đồng đội, cũng không ít lần phát sinh những xung đột đối phương, trọng tài, thậm chí cả người hâm mộ trên sân bóng.
Trong khi đó, Lionel Messi lại là ví dụ tiêu biểu cho những người tài năng và khiêm tốn. Một bình luận viên quốc tế từng nói, nếu Messi cũng sở hữu tính tình như Balotelli, thường xuyên tìm cách “ăn miếng trả miếng” khi ra sân, anh nhất định sẽ bị chấn thương và phải giã từ sân bóng.
Cũng bởi vậy, Balotelli mặc dù được người hâm mộ tung hô như một vị thần, nhưng từ trước đến nay anh chưa từng nhận được danh hiệu Quả bóng vàng, còn Messi nhiều lần đạt được danh hiệu cao quý này nhớ thái độ khiêm nhường, “biết người biết ta” của mình.
Sự khác biệt giữa hai thiên tài này cũng giúp ta rút ra bài học: Thời điểm ta “tiêu xài” cảm xúc của mình một cách bừa bãi cũng là lúc chúng ta đang phung phí tài năng của chính mình.
3. Người tự tin không dùng cảm xúc để thể hiện bản thân
Đương nhiên, làm người không thể tránh việc có hỉ, nộ, ái, ố. Trên thực tế, những người vĩ đại cũng có những cảm xúc tiêu cực và tích cực của riêng họ. Điểm khác biệt làm nên những con người ấy là ở chỗ, họ biết khống chế cảm xúc của mình và không để bản thân bị tâm tình chi phối.
Tác phẩm điện ảnh “Bố già” từng để lại một câu thoại kinh điển: “Vĩnh viễn đừng cho người khác biết suy nghĩ của mình”. Cảm xúc dễ bị dao động, vui buồn thường xuyên lộ ra mặt không phải là người thẳng thắn mà là người sở hữu nội tâm nhạy cảm và thiếu kinh nghiệm.
Kết cục trái ngược của hai người con trai trong “Bố già” bắt nguồn từ cách thức điều khiển cảm xúc và thái độ khác nhau của họ. (Ảnh minh họa).
Cũng trong tác phẩm này, nhân vật người con trai cả của “Bố già” là Sonny được xây dựng như kiểu người hay biểu hiện cảm xúc ra mặt.
Nên ngay cả khi Sonny là một người kế thừa gia tộc tuyệt vời, một người anh cả mẫu mực, nhưng cuối cùng vẫn phải chịu kết cục bị lãnh đạn vì một phút xúc động, lỗ mãng nhất thời.
Anh đã hoàn toàn quên đi lời dạy của cha mình: “Đàn ông không thể liều lĩnh, phụ nữ và trẻ em thì còn có thể, nhưng đàn ông thì tuyệt đối không!”
Sau cùng, người thực sự kế thừa gia sản của “Bố già” lại là cậu con út Mike. Ngay cả khi thua kém anh chị về tuổi đời, nhưng Mike lại sở hữu sự bình tĩnh vô địch, bình tĩnh để bảo vệ cha mình, bình tĩnh để âm thầm thanh toán kẻ thù, bình tĩnh ngay cả trong lúc trốn chạy.
“Trong một giây đồng hồ, ta có thể nhìn thấu bản chất của con người. Nhưng có khi mất cả đời người, ta cũng không thể nhìn ra bản chất của một người. Bởi vận mệnh mỗi người là khác nhau”. Đó chính là lời đánh giá của tác giả Maria Puzo đối với nhân vật Mike.
Vậy mới nói, ẩn nhẫn lúc cần ẩn nhẫn, bùng nổ khi cần bùng nổ, đó mới là tính cách của một người trưởng thành.
4. Tâm trạng càng muốn bùng nổ càng phải học cách khống chế
Năm xưa, khi Abraham Lincoln làm Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Lục quân đã từng ca thán với ông vì bị một thiếu tướng buông lời vũ nhục, hy vọng Lincoln có thể giúp mình rửa hận.
Nhìn bộ dạng nổi nóng của vị Bộ trưởng ấy, Tổng thống Lincoln nói anh ta có thể viết một phong thư với những lời lẽ miệt thị để làm tín vật “đáp lễ” cho kẻ kia, nhưng trước đó nên đưa cho ông xem lá thư ấy.
Thư rất nhanh liền viết xong, Bộ trưởng lục quân nhanh chóng đưa tới cho Tổng thống, hy vọng sớm có thể gửi cho kẻ vừa sỉ nhục mình để trả đũa.
Nhưng vừa cầm tới lá thư, thậm chí còn chưa kịp đọc, Lincoln đã vứt thẳng nó vào bếp lửa. Bộ trưởng cảm thấy khó hiểu, liền “chất vấn” Tổng thống.
“Mỗi khi tức giận, tôi đều làm như vậy, viết hết những điều muốn mắng chửi ra, sau đó cho chúng vào lửa thiêu, sự bực tức cũng tự giác tiêu tán.
Viết thư cốt để cho mình hả giận, nếu còn gửi cho đối phương, chẳng phải sẽ tự rước thêm bực tức vào người hay sao? Nếu ngài còn cảm thấy khó chịu thì viết tiếp vài lá nữa cho tới khi thoải mái mới thôi.” – Tổng thống Lincoln cười và giải thích.
Bấy giờ, Bộ trưởng Lục quân không khỏi tấm tắc: “Đúng vậy! Nếu thư này chuyển tới tay đối phương, kẻ đó tức giận mà viết thư mắng chửi lại mình, không phải càng thêm tức giận hay sao!”
Trong lòng phát sinh cảm xúc tức giận, phản đối, nếu cần biểu lộ, Lincoln lựa chọn phương thức viết thư.
Xưa kia, cổ nhân Trung Hoa cũng từng dùng hình thức này để giáo dưỡng bản thân, cũng như Khổng Tử từng dùng chữ “thứ” (tha thứ) làm phương châm đối đãi với bản thân và người khác.
Đối với những người hiện đại, cách thức đơn giản để “phát tiết” sự bực tức chính là dồn hết cảm xúc, tâm tư để làm một công việc yêu thích.
Tuy rằng, chẳng có ai từ lúc sinh ra đã có thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân, nhưng những người ưu tú không chỉ học được cách quản lý cảm xúc của bản thân đối với người khác mà còn biết cách làm chủ và điều khiển thành thục những cảm xúc ấy.
Bởi vậy, mỗi khi cảm thấy tâm trạng của bản thân sắp ở trạng thái “bùng nổ”, đừng dại dột biến mình trở thành nô lệ của cảm xúc, hãy ngẫm lại cái chết uất ức của Trương Phi và lấy đó làm bài học cho mình!
Nguồn: Soha
18 quy luật “sống còn” giúp đàn ông kiểm soát cuộc sống của chính mình
Cuộc sống sẽ không khó khăn và phức tạp đối với những người nắm chắc quy luật của nó. Trần trụi, tàn nhẫn nhưng đó là những nguyên tắc rất đơn giản giúp bạn chủ động và chiến thắng trong trò chơi cuộc đời.
Dưới đây là những “kim chỉ nam” giúp bạn hiểu ý nghĩa và xử lý nhiều tình huống khó khăn, gần như vô vọng của cuộc sống một cách dễ dàng hơn:
1. Quy luật tương tự: Trong cuộc sống, không có cuộc gặp ngẫu nhiên. Những người giống nhau sẽ thu hút lẫn nhau.
2. Quy luật cân bằng: Bạn khao khát điều gì đó nhưng không thể có được, hãy tìm một mục tiêu khác và nỗ lực tương đương để trở thành số 1.
3. Quy luật của Bob: Khi Bob gặp rắc rối với mọi người, vấn đề mấu chốt thường nằm ở Bob.
4. Quy luật “đàn áp”: Những suy nghĩ, hành động bạn đang cố gắng phủ nhận, tránh né trong tâm trí sẽ xuất hiện vào thời điểm không thích hợp nhất. Điều quan trọng là hãy chấp nhận nội tâm của bạn, kiềm chế và kiểm soát cảm xúc.
5. Quy luật “rào cản”: Bạn nên quyết định vượt qua mọi rào cản trong cuộc đời để không bỏ lỡ những cơ hội chỉ tới 1 lần. Một đã quyết định “vượt rào”, bạn luôn có thể sẵn sàng tiếp nhận những thách thức và cơ hội mới.
6. Quy luật thanh toán: Bạn sẽ phải trả giá cho mọi thứ, cả những thứ bạn làm hay không làm. Nhưng bạn có thể lựa chọn cái nào đáng để trả giá nhiều hơn. Hãy lưu ý, tránh thất bại không làm bạn hạnh phúc hơn.
7. Quy luật cánh cửa: Cuộc sống có vô số lối đi. Bạn luôn có cơ hội để lựa chọn, nhưng bạn không thể thực hiện được mọi thứ. Quyết định đúng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Lựa chọn cánh cửa này, chúng ta sẽ bỏ lỡ một cánh cửa khác. Đôi khi, sự mất mát cũng là một thu hoạch.
8. Luật hấp dẫn: Cuộc sống thường đem đến những điều chúng ta thường nghĩ đến, sợ hãi hay thích thú. Đôi khi, những “món quà” đó lại không phải những gì chúng ta mong muốn.
9. Quy luật “eo hẹp”:
– Chúng ta không thể đoán trước được mọi thứ. Bạn không cần phải chịu trách nhiệm với mọi thứ đã/sẽ xảy ra.
– Chúng ta không thể có mọi thứ. Bạn sẽ liên tục cảm thấy mình đang thiếu thứ gì đó. Bí mật của hạnh phúc là khả năng hài lòng với những thứ bạn đang có.
10. Quy luật của sự thường xuyên: Điều xảy ra 1 lần là tai nạn, xảy ra 2 lần là ngẫu nhiên, nhưng xảy ra lần thứ 3 sẽ trở thành quy luật.
11. Quy luật của sự thay đổi: Nếu muốn thay đổi cuộc sống, bạn nên kiểm soát bản thân. Bạn không thể thay đổi cuộc sống nếu cứ thụ động chờ đợi số phận. Nếu không hành động, bạn sẽ không bao giờ có được điều bạn muốn.
12. Quy luật taxi: Quãng đường càng xa bạn càng phải trả nhiều tiền. Nếu xác định trước lộ trình, taxi có thể đưa bạn đến bất cứ nơi đâu. Bạn càng đi sai hướng nhiều thì càng phải trả giá nhiều.
13. Quy luật của tư duy: Thế giới bên ngoài chính là hiện thân của suy nghĩ bên trong bạn. Đừng cố gắng tìm kiếm lí do thất bại ở thế giới ngoài kia, hãy tự nhìn nhận bản thân.
14. Quy luật hòa hợp: Con người luôn tìm kiếm sự hòa hợp ở khắp mọi nơi. Bạn chỉ có thể tìm được sự hòa hợp tuyệt đối với thế giới khi bạn có thể hòa hợp với chính mình. Trân trọng và chấp nhận bản thân là chìa khóa để bạn hòa hợp với thế giới một cách toàn vẹn nhất.
15. Quy luật phản chiếu: Điều bạn thấy khó chịu ở người khác cũng chính là những điều bản thân bạn muốn chối bỏ. Những điều bạn không muốn nghe từ người khác đôi khi lại rất quan trọng đối với cuộc sống. Cách bạn nhìn người khác cũng là tấm gương phản chiếu những thứ bạn đang cố gắng né tránh, che giấu trong chính bản thân mình.
16. Quy luật “phản ứng dây chuyền”: Nếu bạn để cảm xúc tiêu cực và tâm trạng tồi tệ kiểm soát, bạn sẽ cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh. Lo lắng, đau khổ, bạn không ngừng mơ mộng mọi thứ chuyển biến theo cách nào đó. Như vậy, thế giới thực tế sẽ bị bao trùm bởi ảo mộng của bạn. Khi đó, chúng ta càng không thể ngăn dòng chảy của những suy nghĩ tiêu cực, vô nghĩa vì chúng ta đã có thói quen lo lắng, đau khổ rồi lại mơ mộng. Nó trở thành một “chuỗi phản ứng” khiến bạn luôn trốn tránh việc phải đối mặt và giải quyết vấn đề.
17. Quy luật đánh giá nhân cách: Bạn không thể nhận được lời khen từ tất cả mọi người. Thật vô nghĩa khi cố gắng trở nên hoàn hảo và giành được cảm tình từ mọi người nếu như chính bạn còn không đánh giá cao bản thân.
18. Quy luật về ý nghĩa cuộc sống: Chúng ta đến từ hư không, cố gắng học hỏi ý nghĩa của cuộc sống này, rồi lại trở về hư không. Với mỗi người, từng giai đoạn cuộc sống đều có ý nghĩa riêng. Nó sẽ thay đổi liên tục theo thời gian và những sự kiện của cuộc đời. Chính vì thế, ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc sống này chính là “cuộc sống”.
Theo Trí thức trẻ/Brightside
Blog tổng hợp những kinh nghiệm được học, áp dụng và chia sẻ
0 nhận xét: